Trong 19 tiêu chí nông thôn mới thì tiêu chí giáo dục và đào tạo (tiêu chí 14) của huyện Mường Khương đã cơ bản đạt ở nhiều xã nhưng đây vẫn là tiêu chí khó đối với một số xã vùng cao.
Năm học trước, tỷ lệ học sinh học hết lớp 9 của Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS xã Dìn Chin đi học THPT chỉ đạt 53%, nằm trong nhóm trường có tỷ lệ thấp nhất huyện.
Xã Pha Long đi đầu trong cụm xã Pha Long – Dìn Chin – Tả Gia Khâu về thực hiện tiêu chí giáo dục và đào tạo. |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Ly Seo Dín, Chủ tịch UBND xã Dìn Chin cho biết: Đến nay, Dìn Chin vẫn nằm trong 10 xã nghèo nhất tỉnh và mới đạt 9 tiêu chí nông thôn mới. Trong 10 tiêu chí chưa đạt, có tiêu chí giáo dục và đào tạo; cơ sở vật chất trường học. Tiêu chí cơ sở vật chất trường học dễ thực hiện hơn vì các công trình do Nhà nước đầu tư, còn tiêu chí giáo dục và đào tạo khó đạt do liên quan đến ý thức, nhận thức của người dân. Ngoài tỷ lệ học sinh đi học THPT và học nghề còn thấp, tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo của xã cũng chỉ đạt hơn 23%. Hiện xã còn 10 sinh viên đại học, cao đẳng ra trường nhưng không có việc làm.
Theo thầy giáo Nông Văn Quý, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS xã Dìn Chin, nguyên nhân khiến nhiều học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không đi học tiếp lên THPT là do một số em hoàn cảnh khó khăn, một số khác phải ở nhà lao động giúp gia đình hoặc đi làm thuê kiếm tiền. Năm nay, nhà trường chú trọng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, nhu cầu của học sinh, tổ chức hội nghị tư vấn tuyển sinh, định hướng phân luồng sau tốt nghiệp THCS, mời đại diện các trường THPT, trung tâm GDTX, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng Lào Cai đến tư vấn, hướng nghiệp cho các em. Tín hiệu vui là trong số 45 học sinh lớp 9 đã có 18 em đi học THPT, 18 em đăng ký đi học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và GDTX huyện và học nghề.
Trường PTDT bán trú TH và THCS Dìn Chin tổ chức tư vấn tuyển sinh năm 2021. |
Để sớm đạt tiêu chí giáo dục và đào tạo, trong thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt phổ cập giáo dục ở các cấp học, nâng cao tỷ lệ chuyên cần, đặc biệt là khối THCS. Vừa qua, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tới thăm và làm việc với xã về các giải pháp giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Nhân dịp này, lãnh đạo xã Dìn Chin đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách tạo việc làm cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số sau khi ra trường.
Huyện Mường Khương có 13/16 xã, thị trấn đạt tiêu chí giáo dục và đào tạo, còn 3 xã chưa đạt tiêu chí này là Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Lùng Khấu Nhin. Xác định việc thực hiện tiêu chí giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, huyện Mường Khương đặt ra mục tiêu đến năm 2023, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt tiêu chí này. Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, huyện đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung thực hiện tại 3 xã: Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Lùng Khấu Nhin.
Đối với các xã đã đạt tiêu chí giáo dục và đào tạo, việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí này cũng đáng quan tâm. Theo đại diện UBND xã Pha Long, tuy xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí giáo dục và đào tạo trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn bởi theo Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Pha Long không còn là vùng 3, mà là xã vùng 1. Vì thế, hàng trăm học sinh bán trú dân tộc thiểu số sẽ không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh, nguy cơ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ không ra lớp. Cấp ủy đảng, chính quyền xã đã và đang chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền để đầu năm học mới, học sinh ra lớp đầy đủ.
Ngành giáo dục và đào tạo huyện Mường Khương cũng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các xã thực hiện tiêu chí số 14. Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương cho biết: Phòng tiếp tục phân công cán bộ theo dõi và trực tiếp giúp đỡ các xã về công tác giáo dục nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng; tích hợp các nội dung chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới trong các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học của ngành. Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và phổ cập giáo dục xóa mù chữ; phấn đấu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT và học nghề đạt 78%; duy trì 13/16 xã, thị trấn đã đạt tiêu chí giáo dục và đào tạo.
Cùng với các giải pháp của ngành giáo dục và đào tạo, để tháo gỡ khó khăn cho 3 xã: Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Lùng Khấu Nhin, huyện cần tăng cường đào tạo nghề tại chỗ, tư vấn sắp xếp, bố trí việc làm cho người lao động qua đào tạo. Đặc biệt, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Mường Khương và các xã cần quyết liệt vào cuộc, giải quyết tình trạng tảo hôn ở khu vực vùng cao mới có thể huy động học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT, học nghề.
Tuấn ngọc Baolaocai